Anh chỉ nghe em hát, vang lên trong biển mây … Anh chỉ nghe tiếng cười, vang lên giữa rừng cây…
Từ hồi còn bé tôi đã thuộc lòng những câu hát này do cái radio của bố lúc nào cũng ra rả. Ấy vậy mà cho đến tận năm 37 tuổi, tôi mới đặt chân lên Sapa lần đầu.
Và câu hát đó cũng chính là ấn tượng đầu tiên của tôi với Sapa. Ngày tôi đặt chân đến đây là một ngày thời tiết rất xấu. Mây-mù-mưa bao quanh đặc cả xe. Trên đường từ Lào cai lên, tầm nhìn chẳng thể quá 10m. Màn sương mờ mịt như nuốt chửng cái xe đi đằng trước, rồi đột ngột nhả ra một cái đi ngược chiều. Câu hát chả sai tí nào nhỉ.
Nếu nói về các điểm “nhất định phải ghé thăm” ở nơi này thì không thể không nhắc đến nhà thờ đá. Nhà thờ đá ở trung tâm thị trấn, bé tí bé tẹo, nhưng cũng là công trình kiến trúc tiêu biểu của Sapa, hôm nay mờ ảo trong mây mù. Nhưng chả hiểu sao tôi lại có một niềm tin chắc chắn rằng nhà thờ sẽ không đẹp như vậy nếu trời trong trẻo. Cứ tưởng không hoạt động nhưng hoá ra nhà thờ cũng có tổ chức lễ chiều thứ bảy và sáng chủ nhật. Đứng chen chúc trong đám đông các bạn dân tộc trước cửa nhà thờ, tôi len lén làm dấu thánh. Lâu lắm rồi tôi không đi lễ …
Có ba bản loanh quanh Sapa hay được khách du lịch tham quan nhất. Đó là bản Cát Cát của người H’mông, bản Tả Van của người Giáy và bản Tả Phìn của người Dao đỏ. Tôi rất thích thú khi phân biệt được trang phục của từng dân tộc qua lời giới thiệu của anh xe ôm, và cũng vì thế thì thấy người H’mông là đông nhất, đặc biệt là trong đội quân bán hàng lưu niệm rong trên thị trấn. Các bạn này cũng làm tourist guide luôn cho khách Tây trekking. Nhìn các bạn mặc đồ dân tộc, đeo gùi ríu rít vây quanh các bạn Tây trên đường đi bản cũng thấy vui vui. Thế mới là trekking chuyên nghiệp chứ ai lại ngồi xe ôm cho nhanh và đỡ mệt như tôi.
Hai mẹ con người Dao đỏ (Ảnh: Kiều Thu)
Ngắm ruộng bậc thang trên đường đi Lao Chải – Tả Van là đẹp nhất nhưng đi bản Cát Cát lại là trải nghiệm thú vị của tôi dù hôm đó thật mưa rét và bùn nhầy nhụa. Có lẽ bởi vì bản Cát Cát là bản ít bị Kinh hoá nhất. Tôi thích con đường lát đá với các bậc dốc xuống – trông càng tối và lạnh hơn trong mưa lất phất, thích các ngôi nhà lúp xúp hai bên xen lẫn với các thửa ruộng bậc thang, có các bà các chị người dân tộc bán các món đồ thổ cẩm đầy màu sắc, có lũ trẻ con lem luốc chơi đùa vô tư.
Những em bé tại bản Cát Cát (Ảnh: Kiều Thu)
Rất tiếc vì tôi đã không vào nhà dân tộc H’mông ở bản Cát Cát, còn khi vào nhà dân ở bản Tả Van và Tả Phìn thì cảm giác chung là họ nghèo quá. Trong nhà rất tối, chỉ được quây lại bằng gỗ và chẳng có tài sản gì đáng giá. Ở đây người dân chỉ trồng lúa mỗi năm một vụ từ tháng 4 đến tháng 9, may ra thì đủ ăn nếu được mùa. Ngoài ra họ còn có thu nhập từ thu hoạch thảo quả và bán hàng lưu niệm cho khách du lịch. Tại một số bản còn có dịch vụ homestay cho khách du lịch, nhưng nghe nói toàn của người Kinh thôi …
Mấy hôm tôi tới trời mưa không đi ruộng gặt lúa được, bao nhiêu nhân lực dồn cả cho việc bán hàng nên có khách là cả hội rất đông xúm lại. Ríu rít tiếng dân tộc, tiếng Anh, lơ lớ tiếng Kinh. Trong mớ hỗn độn ấy tôi chỉ nghe thấy rõ nhất “Mua một cái đi!”, và khi giơ máy ảnh lên là “Chụp ảnh thì cho tiền nha!”. Ngay kể cả trẻ con cũng thành thạo trong việc “No photo! Photo đô-la”. Chỉ cần rút ra chút tiền để mua và cho, việc chụp ảnh “mẫu” sẽ trở nên dễ dàng hơn hẳn, dù Sở du lịch có khuyến cáo không cho “mẫu” bất cứ cái gì.
Còn với trẻ con dân tộc, ngoài tiền lẻ thì kẹo đôi khi cũng là một phương án thay thế tương đối hữu dụng. Người dân tộc trên Sapa nói chung hiền lành thân thiện, tuy nhiên họ cũng đã bị thương mại hoá do du lịch ở đây phát triển mạnh. Mà cũng chả thể trách họ được, trong mấy chục, mấy trăm nghìn tiền vé tham quan Sở du lịch thu họ có được đồng nào đâu.
Hai em bé tại chợ tình Sapa (Ảnh: Kiều Thu)
Sapa còn nhiều địa danh khác để tham quan như núi Hàm Rồng, cầu Mây, thác Tình yêu, thác Bạc… và mỗi nơi lại có một cái hay ho khác nhau để hấp dẫn những người khác nhau. Còn tôi, sau hai ngày hành hạ chân mỏi nhừ, thì hài lòng với việc ngồi nhâm nhi một li ít cà phê nhiều sữa ở quán Gecko, trong cái không khí lành lạnh, ngắm trời, ngắm đất và ngắm người…
Anh chỉ nghe em hát, vang lên trong biển mây…Anh chỉ nghe tiếng cười, vang lên giữa rừng cây…Mà người đâu chẳng thấy, mặt người thương chẳng thấy…
Ôi Sapa mù sương …
Độc giả Kiều Thu
ĐỌC THÊM
Cẩm nang du lịch Chưa phân loại E-magazine Multimedia Tin nổi bật
Ăn chơi “hợp lý mà hợp ví” tại Phú Quốc
Phú Quốc – “đảo ngọc” là quần đảo xinh đẹp nằm sâu trong vùng vịnh Thái Lan, thuộc tỉnh Kiên...
Cẩm nang du lịch Chưa phân loại E-magazine Multimedia Tin nổi bật
Cẩm nang khám phá Mũi Né từ A-Z
Là một tín đồ của biển thì chắc chắn không thể bỏ qua thiên đường nắng vàng biển xanh Mũi...
Bản tin “xê dịch” Multimedia Podcast Tin nổi bật
Du lịch chữa lành – xu hướng đang phát triển mạnh mẽ trong thời đại mới
Xin chào tất cả các độc giả thân mến, chào mừng đến với chuyên mục Podcast của Việt Nam Phiêu...
Cẩm nang du lịch E-magazine Multimedia Tin nổi bật
Phát hiện điểm đến như trong phim kiếm hiệp chỉ cách Hà Nội 50km
Cách trung tâm thủ đô Hà Nội chưa đầy 50km, tương đương với chưa đến 1 giờ lái xe, du...